Ai bảo Phú Yên chỉ có “hoa vàng trên cỏ xanh” nhỉ? Nằm ven biển duyên hải miền Trung, Phú Yên được thiên nhiên ưu đãi với nhiều danh lam thắng cảnh, đếm sơ sơ mà cũng có tận 25 điểm đến đẹp mê ly khiến bạn không thể ngồi yên được đấy nhé! Mình sẽ đi lên núi rồi xuống biển, tận hưởng cung đường đèo đẹp đến nao lòng, ngắm hải đăng lên đèn, rồi khám phá những cụm đảo vẹn nguyên vẻ hoang sơ. Hãy chuẩn bị sức khỏe kỹ lưỡng, balo gọn nhẹ, một tinh thần trẻ trung phóng khoáng để cùng Đặc sản Phú Yên Miền Trung dạo chơi vòng quanh Phú Yên thật trọn vẹn nhé!
Nếu bạn đang tìm kiếm một nơi “đẹp hoàn hảo không góc chết”, chẳng cần mơ mộng chân trời xa, Du lịch Phú Yên chính là nơi bạn cần đến.
Đảo
Đảo Điệp Sơn
Đảo Điệp Sơn nổi tiếng không chỉ bởi vẻ hoang sơ bình yên cùng làn nước trong vắt của dãy 3 đảo nhỏ mà còn là con đường trên biển độc đáo. Con đường uốn lượn nên thơ với 2 bên là làn nước xanh biếc cùng đàn cá rực rỡ sắc màu tung tăng bơi lội.
Đảo Nhất Tự Sơn
Là một trong những hòn đảo đẹp nhất của Phú Yên, tương tự như đảo Điệp Sơn, đảo Nhất Tự Sơn cũng có con đường dẫn thẳng từ đất liền ra đảo xuất hiện mỗi khi nước rút. Hãy mang theo một cuốn sách, một máy ảnh, chân vùi trong cát và ngồi dưới tán cây tận hưởng một không gian thanh bình rất riêng của đảo.
Cù lao Mái Nhà
Nơi này được ví như là hòn đảo hoang Robinson của Phú Yên. Nó nằm cách đất liền không xa nhưng lại bị che chắn bởi các đảo và dãy núi khác nên không có nhiều người biết tới. Cũng vì thế mà nơi đây còn rất vắng vẻ và vẫn giữ nguyên vẹn được nét hoang sơ đầy quyến rũ.
Hòn Chùa
Hòn Chùa chỉ cách đất liền khoảng 7km. Có lẽ cùng vì thế mà khi đứng từ phía đất liền, bạn cũng có thể nhìn thấy nó giữa biển nước. Không giống với những hòn đảo tràn ngập cây xanh khác, Hòn Chùa lại có khá ít cây lớn mà chỉ có những bụi cây thấp.
Hòn Nưa
Hòn Nưa nằm ở ngay chân đèo Cả, nơi phân chia giữa hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Biển xanh thăm thăm, núi rừng hùng vĩ tạo nét hoang sơ tuyệt đẹp. Hòn Nưa có đỉnh núi cao 105 m so với mực nước biển, là địa điểm du lịch Phú Yên cực thích hợp để đốt lửa trại, tổ chức ăn BBQ hải sản và tận hưởng không khí biển tĩnh lặng buổi đêm. Bạn có thể tham gia các hoạt động rất thú vị như câu cá. Nếu đi theo nhóm đông người thì đây thực sự là điểm đến tuyệt vời mà bạn nên lựa chọn khi đi du lịch Phú Yên.
Biển
Vịnh Vũng Rô
Không ai có thể tưởng tượng được từ một địa điểm quân sự ngày xưa nay đã trở thành điểm thu hút nhất nhì Việt Nam. Vẫn là nước xanh rực, vẫn là dòng chảy hiền hòa, một vùng non xanh nước biếc hòa quyện vào nhau thật nên thơ và hùng vĩ dưới nắng mùa hè. Nằm ngay sát rìa dãy núi Đèo Cả, Vũng Rô là ranh giới tự nhiên trên biển giữa Phú Yên và Khánh Hòa. Là nơi neo đậu của rất nhiều thuyền bè, ven bờ biển có nhiều bãi cát mịn và đẹp, trong lòng vịnh cũng là nơi cư ngụ của rất nhiều loại tôm, cá và thảm san hô dưới đáy biển cũng rất đẹp và độc đáo tạo nên một Vũng Rô mê hoặc lòng người.
Vịnh Xuân Đài
Vịnh Xuân Đài là một vịnh nhỏ nằm dưới chân dốc Găng thuộc địa phận Thị xã Sông Cầu. Nơi đây được ví như bức tranh thủy mặc với một dãy núi vươn dài ra biển. Phần đá do tiếp giáp với biển nên bị sóng bào mòn và tạo ra những hình thù lạ mắt vô cùng. Vịnh Xuân Đài có sự kết hợp khá đa dạng trong địa hình khi mà ghềnh nối tiếp các vũng, rồi vũng lại nối tiếp các bãi, các bãi sau đó lại nối tiếp núi uốn lượn.
Trong vịnh có khá nhiều vũng biển và bãi tắm đẹp như Vũng La, Vũng Sứ, Vũng Chào cùng nhiều đảo, bán đảo. Các bãi tắm của nơi đây đều sở hữu làn nước trong vắt và không sâu, du khách có thể bơi ra xa mà không sợ nguy hiểm.
Bãi Môn
Thuộc cung đường đi đến hải đăng Mũi Điện, Bãi Môn quyến rũ bởi sự vắng lặng và chưa có sự xuất hiện nhiều của khách du lịch, có lẽ bởi vị trí khá khuất với đường bờ biển không lớn. Nhưng có lẽ chỉ cần mặt nước xanh biếc cùng đồi cát trắng xóa trải dài đã là đủ cho một ngày cắm trại. Nếu muốn thuận tiện cho chuyến săn bình minh sớm mai ở hải đăng Mũi Điện, hãy cho bãi Môn vào lịch trình Phú Yên của bạn nhé!
Bãi Xép – Gành Ông
Dù chỉ xuất hiện ngắn ngủi trong “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, nhưng hình ảnh của Bãi Xép – Gành Ông đã kịp tạo thành cơn sốt chứng kiến sự đổ bộ tìm đến của khách du lịch. Hai bãi đá đen bao bọc hai đầu bãi biển, những cụm xương rồng hoang dã, những mỏm đá kiêu hãnh, vạt cỏ xanh ngút mát khiến bãi Xép không thua gì biển của Địa Trung Hải. Và tất nhiên, nếu đi bộ lên mỏm đất đã từng được quay phim, chắc chắn bạn sẽ tìm thấy “hoa vàng trên cỏ xanh”.
Gành/Ghềnh Đá Đĩa
Từ trước khi bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” công chiếu góp phần nâng tầm vị thế du lịch Phú Yên, thì Gành Đá Đĩa đã là địa điểm nổi tiếng nhất nơi này, bởi nhắc đến Phú Yên là phải nhắc đến Gành Đá Đĩa. Khung cảnh đặc biệt của những khối đá hình lục giác, ngũ giác xếp đều nhau như tổ ong khổng lồ. Phía trên là trời xanh mây trắng bao la, phía dưới là sóng tung bọt trắng xóa vỗ về mỏm đá. Được công nhận là thắng cảnh thiên nhiên cấp quốc gia vào năm 1998, Gành Đá Đĩa thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến đây để tận mắt chứng kiến tuyệt tác của thiên nhiên.
Kè chắn sóng Xóm Rớ
Kè chắn sóng Xóm Rớ với rêu xanh bám kín những hòn đá và kè chắn sóng nổi bật trên nền nước thẫm dưới ánh nắng vàng rực rỡ tạo nên một cảnh quan tuyệt vời. Khi thủy triều xuống, những chiếc kè nổi lên xanh mướt, óng ánh lung linh không ai có thể làm ngơ.
Cầu Ông Cọp
Cầu Ông Cọp còn có tên gọi khác nữa là cầu Tuy An hay cầu Bình Thạnh, với độ dài 400m, đây là cây cầu gỗ dài nhất ở nước ta hiện nay. Được làm từ gỗ, tre và sắt, chiếc cầu gỗ chênh vênh lắt lẻo với kết cấu đơn sơ cùng dáng vẻ mộc mạc bình dị đã trở thành điểm chụp ảnh “sống ảo” tuyệt đẹp mỗi lúc hoàng hôn.
Đập Đồng Cam
Không chỉ là công trình có giá trị thẩm mỹ và kỹ thuật, đập Đồng Cam còn có ý nghĩa về mặt kinh tế song song với lịch sử. Con đập có hơn 2500 các hạng mục lớn nhỏ và đang là công trình thủy lợi lớn nhất Phú Yên hiện nay. Cảnh quan thiên nhiên rộng lớn, kiến trúc ấn tượng cùng lễ hội mùng 8 Tết Nguyên Đán hằng năm thu hút rất đông khách du lịch trong và ngoài nước đến du ngoạn. Đập được xây dựng bằng việc sử dụng những viên đá chẻ được xếp theo kiểu tổ ong cách nhau đều đặn. Với 2 kênh dẫn nước tưới tiêu cho cả vùng lúa Tuy Hòa, có thể nói đập Đồng Cam là mảnh ghép quan trọng của bức tranh Phú Yên.
Đập Tam Giang
Cùng với đập Đồng Cam, đập Tam Giang là một trong số các công trình thủy lợi quan trọng của Phú Yên. Nó không chỉ giúp điều tiết nước, mà với du lịch, đây cũng là một khung cảnh tuyệt đẹp, đưa đến cho du khách các khung hình đầy ảo diệu. Đập Tam Giang là công trình thủy lợi quan trọng giúp tưới tiêu cho các cánh đồng ruộng ngút ngàn ở các xã An Thạch, An Ninh.
Đầm Ô Loan
Di tích quốc gia đầm Ô Loan là nơi nuôi tôm và sò huyết ngon nhất Phú Yên, và cũng là “thiên đường sống ảo” đẹp nhất lúc hoàng hôn. Bạn có thể ngắm toàn cảnh đầm bằng cách leo lên đỉnh đèo Quán Cau với khung cảnh mặt hồ rộng từng làn sóng gợn lăn tăn theo gió, những dải đồi thấp thoai thoải với những ruộng mía xanh ngắt.
Đèo Cả
Được xem như một trong những cung đường đèo đẹp nhất, lớn nhất và hiểm trở nhất của Việt Nam, đèo Cả là cung đường nối các địa danh đẹp ở Phú Yên như Mũi Điện, vịnh Vũng Rô, biển Đại Lãnh rồi đi thẳng qua Khánh Hòa về Nha Trang. Khu vực đèo còn có thảm thực vật quý hiếm với những loài cây đặc biệt như cẩm, thị, sao, chò, dầu, kiền kiền, và đát. Dừng bất cứ đâu tại các quán nhỏ, bạn cũng sẽ chiêm ngưỡng bản hòa ca của mây-trời-non-nước với tầm nhìn tuyệt vời.
Cao nguyên Vân Hòa
Được ví như “Đà Lạt thu nhỏ” của Phú Yên, cao nguyên Vân Hòa ở độ cao 400m với những khung cảnh lãng mạn của hồ nước tĩnh lặng, đồi cỏ xanh bạt ngàn thấp thoáng những căn nhà nhỏ nép mình dưới tán cây. Không thể thiếu hàng thông reo vi vu trong gió với những con đường đổ dốc quanh co và sương mù bảng lảng vào mùa thu. Tại đây còn có khu di tích Nhà thờ Bác Hồ và khu căn cứ tỉnh Phú Yên, nơi đã được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia vào năm 2008.
Hải đăng Gành Đèn
Bức tranh biển cả của Phú Yên sẽ thật thiếu sót nếu không có hình ảnh ngọn hải đăng khiêm tốn nhưng lại vô cùng quan trọng, là tín hiệu đợi chờ bình yên của đất liền. Giữa biển trời xanh ngắt, hải đăng Gành Đèn thật nổi bật với sắc trắng đỏ ấn tượng, luôn là địa điểm chụp ảnh “phải đến” của Phú Yên.
Hải đăng Mũi Điện
Trái ngược với hải đăng Gành Đèn nổi bật với tông màu đối lập và rất dễ đến, quãng đường lên hải đăng Mũi Điện là một thử thách thú vị khi bạn phải dậy từ rất sớm để đi bộ đường núi khoảng hơn 1km. Vì là đường dốc nên nếu không chuẩn bị kỹ, rất có thể bạn sẽ lỡ mất bình minh – cực phẩm của hải đăng Mũi Điện. Được coi là điểm đón bình minh đầu tiên của Việt Nam, hải đăng Mũi Điện là điểm đến yêu thích cho những ai đi du lịch Phú Yên muốn tận hưởng không khí buổi sớm trong lành của cỏ cây pha lẫn vị muối của vùng biển.
Núi Đá Bia
Núi Đá Bia, tên chữ là Thạch Bi Sơn, dân gian gọi là Núi Ông, là ngọn núi cao nhất trong khối núi Đại Lãnh thuộc dãy núi Đèo Cả. Núi nổi tiếng vì tảng đá bia khổng lồ cao khoảng 80 m trên đỉnh núi mà cách xa vẫn có thể nhìn thấy nó hiên ngang nổi bật giữa nền núi non xanh ngắt. Trên đỉnh núi mây thường xuyên che lấp khối đá Bia tạo nên cảnh quan hùng vĩ, ấn tượng. Từ đây bạn có thể nhìn bao quát vùng biển xung quanh, thấy Vũng Rô của Phú Yên ở ngay chân núi phía Nam hay vịnh Vân Phong của Khánh Hòa và đặc biệt là thành phố Nha Trang vào những ngày trời nắng đẹp.
Tháp Nhạn
Nằm trên núi Nhạn, tháp Nhạn được người Chăm sinh sống ở lưu vực châu thổ sông Ba xây dựng nên vào khoảng thế kỉ 12. Về kiến trúc của tháp, nó khá giống với kiến trúc của ngọn tháp ở Nha Trang khi phần chóp được cấu tạo bằng một phiến đá nguyên tảng có hình búp sen, một biểu tượng Linga của người Chăm. Đỉnh tháp bốn mặt đều có bốn cửa sổ giả, cửa chính hướng về phía Đông. Tháp có hình tứ giác với 4 tầng, càng lên cao càng thu nhỏ lại so với tầng dưới với chiều cao khoảng 23,5m. Phần bên trong là một am nhỏ thờ bà Thượng Đỉnh Chúa Thiết A Na Diễn Ngọc Phi được xây dựng từ thời hậu Lê.
Vực Phun
Đi về phía thượng nguồn sông Bánh Lái, tới vùng núi Đá Đen thuộc xã Hòa Mỹ Tây, huyện Tây Hòa, Vực Phun hiện ra giữa núi rừng hùng vĩ, đẹp như một bức tranh. Dòng nước của con suối Cái chảy đổ xuống một vực sâu tạo thành một dòng thác lớn trắng xóa. Dưới vực có nhiều tảng đá lớn khiến nước dội ngược lên rất mạnh. Do vậy, từ xa ta có cảm giác như nước được phun lên từ lòng vực.
Cái tên Vực Phun hình thành do cấu tạo địa chất giữa phía trên vực là những tầng lớp đá rắn chắc và phía dưới vực là tầng đá mềm bị xâm thực xói mòn dần theo năm tháng tạo thành hố. Nước từ thượng nguồn chảy xuôi lao xuống hố vực tung bọt trắng xoá như thể từ bên dưới có một vật khổng lồ phun nước lên cao vậy. Bờ vực có chỗ là vách đá cheo leo, dựng đứng như bức tường thành, có chỗ là những phiến đá rộng lớn, phẳng lì, làm cho hình dáng Vực Phun thật đa dạng và hùng vĩ. Xung quanh vực là khu rừng nguyên sinh. Ngoài cảm giác thư giãn khi hòa mình vào dòng nước mát lạnh của dòng suối dưới chân thác, cái thú vị là người ta được khám phá những bí ẩn của vùng núi Đá Đen hay men theo đường mòn khám phá thượng nguồn sông Bánh Lái.